Chế Độ:  
 Text/HTML

 

Đăng Nhập  |  Đăng Ký 17 Tháng Năm 2024

Danh mục sản phẩm

Hỗ Trợ Trực Tuyến

Text/HTML

Thiếu nguyên liệu giữa vùng nguyên liệu

Những nhà máy chế biến trái cây đóng gói đông lạnh xuất khẩu đang thiếu nguyên liệu trầm trọng dù nằm giữa xứ trái cây.

Thiếu nguyên liệu giữa vùng nguyên liệu

Hơn một tuần qua, ông Phan Quốc Nam, giám đốc công ty Long Uyên (khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang) mất ăn mất ngủ vì hợp đồng giao 10 tấn xoài gọt vỏ, cắt miếng đông lạnh đã cận kề, nhưng chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vẫn không mua đủ nguyên liệu để chế biến. “Trung tuần tháng 1.2011, tôi phải giao hàng cho đối tác Hàn Quốc, 10 tấn xoài thành phẩm cần đến 30 tấn trái nguyên liệu, nhưng hiện nay, mỗi ngày chỉ thu mua được vài trăm ký để chế biến”, ông Nam than.

Khốn đốn vì không có nguyên liệu

Công ty Long Uyên là một trong hai nhà máy chuyên sản xuất trái cây đông lạnh xuất khẩu có tiếng ở Tiền Giang. Cuối năm 2010, ông Nam ký được hợp đồng xuất 10 tấn xoài cắt miếng đông lạnh sang Hàn Quốc vào đầu năm 2011. Về nước, trong lúc đang tập trung nhân, vật lực, thu mua nguyên liệu thực hiện hợp đồng thì đối tác phía Hàn Quốc gửi email đặt hàng thêm 20 tấn, giao hàng cuối tháng 1.2011, nhưng ông Nam phải cắn răng từ chối. “Hiện nay, lô hàng 10 tấn chạy tìm nguyên liệu hụt hơi, nếu nhận thêm lô hàng 20 tấn, nhà máy của tôi phải có thêm 60 tấn xoài trái nguyên liệu, tìm đâu ra trong lúc này”, ông Nam bức xúc nói.

Sản phẩm xoài gọt vỏ cắt miếng đông lạnh do phía Hàn Quốc đặt hàng là xoài cát chu, giống xoài được trồng với diện tích hàng ngàn hécta tại hai huyện Cái Bè (Tiền Giang) và Cao Lãnh (Đồng Tháp). Sản phẩm xoài đông lạnh không cần trái phải bóng đẹp như xoài bán chợ vì phải gọt bỏ vỏ, nhưng dù tăng giá đến 9.500 đồng/kg, các thương lái vẫn không thể cung ứng được cho nhà máy. Ngoài lô hàng xoài đông lạnh đang khốn đốn vì thiếu nguyên liệu, hiện nay, công ty Long Uyên đang thực hiện hợp đồng 40 tấn chôm chôm, mãng cầu xiêm bỏ vỏ đông lạnh xuất đi các nước, nhưng nguồn nguyên liệu cũng thiếu trầm trọng, mãng cầu phải cho người đi thu gom từng ký lô, trong khi chôm chôm thu mua với giá 17.500 đồng/kg vẫn không đủ hàng. Theo ông Nguyễn Văn Dân, thương lái chuyên thu mua xoài ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), năm nay, do thời tiết thất thường, nên xoài mất mùa nặng. Trong khi đó, tại huyện Cái Bè, nhiều nhà vườn ở hai xã trồng xoài cát chu nhiều nhất là Tân Thanh, Tân Hưng cho biết, hiện nay, những gốc xoài cát chu đã lão hoá, năng suất thấp, lại thêm mất mùa, nên sản lượng chỉ bằng 30 – 40% so với mọi năm.

Khóc với “vương quốc trái cây”

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có hơn 300.000ha vườn cây ăn trái, sản lượng hơn 3 triệu tấn trái/năm, chiếm hơn 70% sản lượng trái cây cả nước. Nhiều năm qua, trái cây ĐBSCL “được mùa, dội chợ, rớt giá, thua trên sân nhà” đã trở thành một câu chuyện nói hoài đến nhàm chán, nên việc gia tăng giá trị trái cây bằng phương thức chế biến, xuất khẩu là một hướng đột phá. Theo thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, chủ tịch hội Làm vườn huyện Cái Bè (Tiền Giang), trái cây sử dụng cho chế biến xuất khẩu phần lớn là hàng loại hai, loại ba vì nhà máy chỉ cần chất lượng, chứ không cần vỏ bóng đẹp, nên tiềm năng cung ứng nguyên liệu của vườn cây ăn trái ĐBSCL cho công nghiệp chế biến là rất lớn.

Điều tréo ngoe là sản lượng trái cây dồi dào, nhưng nhà vườn các tỉnh ĐBSCL vẫn không thể cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khi doanh nghiệp có nhu cầu thu mua với số lượng lớn, dù hiện nay, ở miền Tây chỉ có bốn nhà máy chế biến trái cây đóng gói đông lạnh (hai ở Mỹ Tho, một ở Cần Thơ và một ở Sóc Trăng).

Đã có hàng trăm, hàng ngàn cuộc hội thảo khoa học, hội thi trái ngon quy mô cấp vùng, cấp quốc gia được tổ chức để bàn việc nâng cao chất lượng trái cây ĐBSCL trên thị trường nội địa và xuất khẩu, nhưng sau đó, mọi việc vẫn như cũ. Rất nhiều lần tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, kêu gọi liên kết vùng, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học để sản xuất trái cây hàng hoá, nhưng vẫn không ai thực hiện, mạnh ai nấy làm theo ý thức chủ quan. Cho nên, quanh năm trái cây ĐBSCL bày bán đầy chợ, thậm chí có lúc giá bán rẻ như cho, nhưng khi cần thu gom với số lượng lớn để xuất khẩu, hoặc chế biến thì doanh nghiệp bó tay.

In Ấn