ENGLISH | 简体中文 Trang Vàng Danh bạ website Thông Tin Thị Trường - Giải Trí

 

Nghệ thuật tranh Việt Nam

Gom SuTrong những kỷ vật lưu niệm du khách đem về từ đất nước Việt Nam có lẽ không thể thiếu một bức tranh nghệ thuật Việt. Tranh Việt quyến rũ du khách bốn phương bởi nghệ thuật tinh tế được thể hiện trên nhiều chất liệu đa dạng, mang tính thẩm mỹ cao, chứa đựng nét biểu cảm đặc sắc và trên hết là đậm đà bản sắc dân tộc.

Xem chi tiết

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng gốm cổ Bát Tràng

Gom SuLàng gốm sứ Bát Tràng - ngôi làng cổ nằm cách Hà Nội khoảng 10km về phía Ðông Nam, nằm bên dòng sông Hồng, trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, tên xã Bát tức Bát Tràng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1352. Nhưng theo dã sử thì vào thời nhà Lý (1010 - 1225) dân từ xã Bồ Bát thuộc tỉnh Ninh Bình đến lập nghiệp tại vùng đất này và đặt tên là xã Bát Tràng. Sở dĩ người dân Bồ Bát chọn vùng đất này để lập nghiệp vì ở đây có đất sét trắng - một nguồn nguyên liệu tốt để cho ra những sản phẩm gốm có chất lượng cao. Hơn nữa, vùng đất này nằm cạnh bờ sông Nhị tức sông Hồng sẽ thuận lợi cho việc giao thông, chuyên chở và trao đổi hàng hóa.
Từ vài thập kỷ nay, sức sống của làng nghề truyền thống vẫn được thổi lên bởi ngàn lò gốm cháy rực suốt ngày đêm. Hiện nay, ở Bát Tràng nhiều lò gốm đã không dùng than, củi hay rơm rạ để đốt lò mà đã dùng lò công nghiệp đốt bằng gas nên hạn chế được sự ô nhiễm môi trường đồng thời cũng giảm được lượng phế phẩm. Theo các nghệ nhân của làng, đề tài phổ biến của các sản phẩm gốm Bát Tràng là hình rồng, phượng, câu thơ đối, hoa văn, cảnh người, cảnh hoa, cảnh thiên nhiên... đều phản ánh đời sống tâm linh và triết lý của con người Việt Nam.
Ngày nay, gốm Bát Tràng đã có khá nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, bao gồm cả những mặt hàng mỹ nghệ như đĩa treo tường, lọ hoa, con giống, tượng phiên bản và phù điêu với kỹ thuật và công nghệ cao. Các bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật chế tạo đồ gốm sứ ở Việt Nam. (Theo webdulich)

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng gốm Chăm Bầu Trúc

Làng Bầu Trúc là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á nằm cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng Nam. Đây là một làng nhỏ có hơn 400 hộ trong đó 85% hộ làm nghề gốm truyền thống. Người trong làng kể rằng chính Pô klong Chan là người đã truyền nghề, ông là một trong những vị tổ sư của nghề gốm từ thời xa. Vật liệu dùng để tạo ra một sản phẩm gốm thật sự ở Bầu Trúc là một loại đất sét đặc biệt. Loại đất sét này được lấy từ bờ sông Quao, khi nung rất dẻo và bền. Kỹ năng trộn cát với đất sét cũng rất khác biệt. Lượng cát được trộn vào vật liệu còn phụ thuộc vào công dụng và kích thước của từng loại gốm. Vì thế, gốm Bầu Trúc hoàn toàn khác so với những nơi khác. Chẳng hạn, lu đựng nước được làm ở Bầu Trúc luôn được người dân ở những vùng khô và nắng ưa chuộng bởi vì nhiệt độ của nước trong lu luôn luôn thấp hơn so với bên ngoài nên nước bao giờ cũng mát.
Để tạo ra một sản phẩm gốm, một nghệ nhân Chăm chỉ cần dùng một cái đe ( không phải vòng xoay ) và các công cụ thô sơ khác cùng với đất tơi; sau đó dùng tay để nặn những mẫu đất sét thành những tác phẩm mà họ muốn. Bằng những thao tác khéo léo và các tuyệt phẩm đã được hình thành. (Theo webdulich)

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thổ cẩm:

Tho CamAi đi cao nguyên cũng muốn mang quà núi rừng về làm kỷ niệm, một cái khăn thổ cẩm cho người già, một cái áo thổ cẩm cho em gái.... hàng thổ cẩm dệt bằng tay, rất công phu với những hoạ tiết hoa văn, màu sắc rực rỡ. Ðể dệt vải thổ cẩm người dân tộc thường tự trồng bông, nhuộm sợi và đòi hỏi phải cẩn thận, kiên nhẫn. Cao nguyên Kontum có làng Tăng của người Hre , cách Hà Nội gần 160 km là Bản Lát – Mai Châu được xem là quê hương thổ cẩm.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Điêu khắc đá

Dieu KhacLàng đá mỹ nghệ ở Ngũ hành Sơn, Ðà Nẵng là nơi nổi tiếng với nghề điêu khắc đá. Với bàn tay khéo léo và cần mẫn của người thợ đá, những tảng đá thô biến thành những chiếc cối đâm tiêu xinh xắn, bộ ấm chén độc đáo, tượng phật uy nghiêm, sư tử oai phong đứng trên quả cầu lửa, hay cánh chim đại bàng tung bay trong gió…

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Dệt chiếu

…Giúp em đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo…. Chiếu gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam. Có nhiều làng nghề dệt chiếu nổi tiếng: chiếu Quảng Nam đã từng theo các thương nhân đi chu du khắp nơi trên thế giới, chiếu Định Yên của vùng Sông Hậu nổi tiếng với các phiên chợ chiếu đêm. Ngày nay, ngoài chiếu lác còn có nhiều loại chiếu nilông, chiếu gỗ, nệm.., do đó các loại chiếu lác có các hoa văn cầu kỳ, tinh xảo còn lại rất ít.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mây tre lá

May Tre La Làng quê Việt Nam với những lũy tre làng tạo nên nét đẹp bình yên. Chỉ cần ra khỏi thành phố khoảng 20km về hướng Hóc Môn, Củ Chi, bạn có thể tham quan làng nghề truyền thống của người dân xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn). Các sản phẩm từ tre rất đa dạng, phong phú như sọt, đũa, rổ, ... cao cấp hơn là các bộ bàn ghế bằng tre, võng tre. Ðặc biệt, ở Bình Dương có những lò chuyên uốn tre cho ngay thẳng. Nếu muốn chọn một sản phẩm mây cho mình, bạn có thể ghé xem ở khu vực đường Ba Tháng Hai, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Các sản phẩm mây rất bền, độ dai và độ thông thoáng cao. Mây nguyên liệu phải qua nhiều công đoạn như làm sạch, chống mọt, chống ẩm, tẩy trắng tuỳ theo từng sản phẩm và cuối cùng thường được đánh vẹc ni hoặc sơn bóng để tăng vẻ đẹp cho sản phẩm.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thêu

Đà Lạt (Lâm Đồng) - thành phố du lịch nổi tiếng còn được biết đến với nghề thêu tranh trên vải. Có câu chuyện kể về chàng thư sinh mua được bức tranh thêu hình thiếu nữ rất đẹp và sinh động, đến nỗi chàng nhìn tranh mơ tưởng đến người đẹp. Và người đẹp trong tranh đã biến thành người thật. Tranh thêu Đà Lạt không biến thành hiện thực nhưng tranh mang được hồn của người và cảnh vật. Các mặt hàng thêu xuất khẩu như thêu trên áo, gối, khăn trải bàn, màn cửa… hiện rất được khách nước ngoài ưa chuộng. Tại Sài Gòn, khu Đồng Khởi - Nguyễn Huệ rất nổi tiếng với các phố chuyên bán các mặt hàng thêu tay cho du khách.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Sơn mài

Son MaiCác sản phẩm gỗ sơn mài hoặc được cẩn ốc xà cừ lóng lánh với màu sắc hài hòa, nét đẹp tao nhã tạo nên sự sang trọng quý phái cho không gian xung quanh.
Người Việt xa quê, khách ngoại quốc và cả những người trong nước đều rất thích có những sản phẩm độc đáo này để tặng người thân, để sử dụng hoặc trang trí nội thất, đó có thể là một bức tranh, lọ hoa, bộ bàn ghế hay tủ thờ gia tiên. Bình Dương là nơi nổi tiếng trong làng với rất nhiều nghệ nhân có tâm huyết. Sơn mài là một ngành nghề cổ truyền của Việt Nam đang được giữ gìn và phát huy.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng tranh Đông Hồ

Ðông Hồ - một cái tên làng quen thuộc xinh xắn nằm bên bờ sông Ðuống thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã từ lâu đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc.

Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in. Giấy dùng in tranh là loại giấy dó mịn mặt. Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội hoạ, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng hương Yên Phụ

Nằm ở cửa ô Yên Phụ, qua dốc Thanh Niên - Cổ Ngư là tới làng nằm ven hồ Tây mênh mông kỳ bí, trước kia thuộc quận Ba Ðình, nay về quận mới Tây Hồ. Ngoài nghề nuôi cá cảnh thì người dân ở đây vẫn có nghề làm hương đốt từ lâu đời. Theo một số tư liệu cũng như các bậc cao niên trong làng kể lại thì nghề làm hương ở đây do một người Trung Hoa mang tới từ thế kỷ 13 và dạy cho dân làng. Ðạo Phật và tục đốt hương phát triển ở đây mà còn ở nhiều nơi khác. Bước sang thế kỷ này, nghề hương ở Yên Phụ phát triển mạnh mẽ nhất và không chỉ thu hút dân trong làng mà còn hấp dẫn các làng An Dương, Nghi Tàm theo nghề với số lượng lớn. Ðầu những năm 80 nghề hương ở đây có dấu hiệu bị mai một khi rất nhiều gia đình bỏ nghề chuyển qua nuôi cá cảnh và kinh doanh, buôn bán. Lúc này chỉ còn khoảng 20% số hộ trong làng còn làm nghề. Thế nhưng, chỉ 7 - 8 năm sau, bước sang những năm 90, nghề này lại được khôi phục.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng làm bánh chưng ở Hà Nội

Chiếc bánh chưng xanh từ bao đời nay đã trở thành món ăn dân tộc không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Xưa kia, bánh chưng là lễ vật cao quý dùng để dâng biếu vua quan khởi nguồn từ câu chuyện truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương, nhờ dâng vua cha loại bánh chưng quý giá này mà được nhường ngôi vua. Ở Hà Nội có một làng nghề gắn liền với truyền thuyết ấy. Ðó là làng Thanh Khúc, còn gọi là Tranh Khúc, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Hàng năm, cứ dịp 10/3 Âm lịch, người làng Thanh Khúc lại đem lễ vật bánh chưng lên đền Hùng (Phú Thọ) để dâng cúng. Ðến làng vào dịp cuối năm ta mới cảm nhận được cái không khí chuẩn bị tết sớm và náo nức như thế nào. Trong nhà các "ông chủ bánh chưng" có đến cả tấn gạo, tạ đỗ. Ở làng Thanh Khúc nhà nào cũng làm bánh chưng. Chỉ có điều làm ít hay làm nhiều thôi. Gia đình làm ít cũng 1 - 2 yến gạo mỗi ngày, còn gia đình làm nhiều thì phải 1 - 2 tạ gạo. Bánh chưng Thanh Khúc đã có danh tiếng từ lâu đời nhờ bánh ngon, hình thức đẹp, bảo đảm vệ sinh thực phẩm nên lượng bánh tiêu thụ hàng ngày cũng như ngày lễ tết rất lớn. Các gia đình ở làng Thanh Khúc ít đi bán lẻ mà thường đổ buôn bánh chưng đến các chợ Hôm, chợ Ðồng Xuân... đến các bệnh viện, khách sạn lớn ở Hà Nội.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Phố Hàng Bạc và nghề kim hoàn

Hàng Bạc là một phố nằm ở trung tâm thành phố, thuộc khu phố cổ Hà Nội. Với đồ nghề thủ công, người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã làm ra nhiều sản phẩm vàng bạc tinh xảo, nhất là đồ trang sức. Trong thuật ngữ chuyên môn, người ta phân biệt các sản phẩm này thành hai loại: đồ trơn (không chạm khắc) như nhẫn, khuyên tai cho phụ nữ, vòng xuyến cho phụ nữ hoặc trẻ em và đồ trạm (có chạm, khắc). Người thợ kim hoàn ở Hàng Bạc thường chạm khắc trên các đồ vàng bạc theo các mẫu trang trí nhất định. Tứ linh (long, ly - còn gọi là lân, ly, quy, phượng) là loại mẫu phổ biến nhất.
Trên các đồ vàng, bạc, ta còn thấy người thợ kim hoàn chạm trổ hình ảnh con người, hoặc hình ảnh các loại cây mà theo quan niệm phương Đông thì đó là tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của người quân tử: trúc, mai, lan, cúc, .....
Nói chung ở bất kỳ đồ vàng bạc trạm khắc hoặc đồ nữ tràng nào người ta đều dễ nhận thấy hai đặc điểm nổi bật: tạo dáng nghệ thuật và tạo văn (nét chìm, nổi) tinh xảo, sinh động.
Ngày nay, nghề buôn bán trao đổi vàng bạc không chỉ còn tập trung ở phố Hàng Bạc. Ở nhiều phố khác, cũng đã rải rác có các cửa hiệu buôn bán vàng. Nhưng phố Hàng Bạc vẫn là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tinh xảo, dù nay đã ít đi so với truyền thống chế tác đồ vàng bạc lâu đời.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng trống Lâm Yên

Dieu KhacLâm Yên là vùng tứ châu của bốn địa giới gộp lại: Lâm Tây, Lâm An, Lâm Ðại, Lâm Trung nay là ấp Nam xã Ðại Minh, huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khởi thuỷ về một làng nghề này thì không ai nhớ là nghề làm trống ở Lâm Yên có từ bao giờ. Từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội:" Cử chinh cổ" người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên...thường nhắc đến câu ca:" Trống Lâm Yên - Chiêng Phước Kiều".
Quy trình làm thành một chiếc trống (trống chầu, trống lịch, trống lân, trống chiên, trống chùa...) người thợ làm trống phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nghề làm trống đòi hỏi ở người thợ tính cần cù nhẫn nại, chịu khó và khéo tay khi bắt đầu đến khi hoàn thành sản phẩm. Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi rất cao: chất liệu phải đảm bảo độ bền, độ vang của trống, dăm trống (thân trống) phải bằng gỗ mít và mặt trống phải bằng da trâu chứ không phải bằng bất kỳ chất liệu khác.
Nghề làm trống ở Lâm Yên là nghề phụ nhưng những sản phẩm của họ làm ra rất được khách ưa chuộng. Xã hội ngày một phát triển, trong đó có đáp ứng về nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá thể hiện qua các hình thức lễ hội, nghệ thuật... thì không thể thiếu bởi tiếng trống chầu, trống lịnh hay trống chùa.... Chắc chắn nghề làm trống Lâm Yên - Ðại Minh - Ðại Lộc (Quảng Nam) sẽ được duy trì và không ngừng phát triển.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng chiếu Cẩm Nê

May Tre LaCách trung tâm thành Phố Đà Nẵng 14km về phía Tây Nam, làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống. Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn; những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng.
Bằng những nguyên liệu đơn giản như lát (cói), đay và với một khung dệt kết cấu tinh tế, mỹ thuật, nghệ nhân làng Cẩm Nê đã cung cấp cho khắp nơi trong nam, ngoài bắc những tấm chiếu hoa đủ cỡ với những hoa văn trang trí đẹp. Ưu điểm của chiếu hoa Cẩm Nê là dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Đặc biệt mùa hè nóng bức, nằm trên chiếu Cẩm Nê sẽ cảm được cái mát lạnh, và vào mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm cùng với mùi hương đồng cỏ nội thơm dịu. Ngoài làng chiếu hoa Cẩm Nê nằm bên con sông yên thơ mộng, quanh vùng còn có làng nghề nong rổ Yến Nê, làng nón La Bông nổi tiếng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tranh làng Sình

Son MaiLàng Sình nằm ven sông Hương, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Ðàng Trong còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Ðây còn là một trung tâm văn hoá: chùa Sùng Hoá trong làng đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa. Không biết từ bao giờ, làng nghề in tranh dân gian phục vụ cho việc thờ cúng của người dân khắp vùng.
Tranh Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng. Tranh Sình có kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó thông dụng. Giấy dó cổ truyền có khổ 25x70cm, được xén thành cỡ pha đôi (25x35), pha ba (25x23) hay pha tư (25x17). In tranh khổ lớn thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in đen chờ cho khô thì đem tô màu. Tuy màu tô không tỉa tót và vờn đậm nhạt như tranh Hàng Trống, nhưng mỗi màu đều có chỗ cố định trên tranh, tạo nên sự hòa sắc phù hợp với ý nghĩa từng tranh. Công việc "điểm nhãn" ở một cố tranh cũng do thợ chính làm nhằm tăng thêm vẻ sinh động của tranh.
Những mảng màu lớn thì dùng một thứ bút riêng làm bằng tre gọi là thanh kẻ để tô màu. Những chi tiết nhỏ thì dùng bút lông đầu nhọn. Việc tô màu được làm theo dây chuyền, mỗi người phụ trách một hai màu, tô xong lại chuyển cho người khác. Những bàn tay tô màu như múa thoăn thoắt trên tờ tranh, có người kẹp hai, ba cây bút ở đầu ngón tay để tô cùng một lúc hai, ba mảng màu. Ðiểm nỗi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác một cách hồn nhiên. Nhưng nét độc đáo của nó là ở chỗ tô màu. Khi đó nghệ nhân mới được thả mình theo sự tưởng tượng tự nhiên. Cố họa sĩ Phạm Ðăng Trí, người họa sĩ tài hoa của đất thần kinh xưa, đã tìm thấy trong tranh Sình bảng màu "ngũ sắc Huế", hơi khác với bảng "ngũ sắc phương Ðông". Và nếu ta so sánh những gam màu sử dụng trên tranh thờ sẽ thấy nó gần gũi với tranh pháp lam trang trí trên các kiến trúc của kinh thành xưa. Ðó là sự hòa sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hỏa hoàng, phí thủy với hổ phách...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nghề đánh bắt hải sản

Ðánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền như: nghề câu mực, câu cá song; câu cáy; nghề chã, nghề chài; nghề đào sái sùng; nghề đánh cá đèn; nghề cào ngán, cào thiếp, nghề bổ hà... Vùng biển Quảng Ninh có nguồn lợi thủy sản rất phong phú, có nhiều loại tôm cá, nhiều loại hải sản quí có giá trị kinh tế cao cả ở trong nước và xuất khẩu như các loại cá ngon nổi tiếng: chim, thu, nhụ, đé, song, ngừ, các đặc sản như: tôm he, mực ống, cua, ghẹ, sái sùng, sò huyết, hải sâm, ngán, các loại ốc...
Ðánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền, không những có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hoá và du lịch.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nghề mỹ nghệ Than đá

DuaTừ những cục than bình thường, qua con mắt và bàn tay người thợ đã trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế rất lớn, nghề thủ công mỹ nghệ bằng than đá ở Quảng Ninh đến nay đã trở thành một nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng. Kiểu loại của sản phẩm rất phong phú, đa dạng từ những con trâu, con nai, gạt tàn thuốc lá quen thuộc trước đây, đến những tác phẩm điêu khắc đạt trình độ cao. Cùng với việc khai thác than, nghề thủ công mỹ nghệ bằng than đá ở Quảng Ninh cũng hình thành và ngày càng phát triển, đến nay đã trở thành một nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng. Sản phẩm mỹ nghệ bằng than đá ngày càng được đông đảo khách trong nước và quốc tế ưa thích bởi vẻ đẹp và sự độc đáo về chất liệu, tính thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tài hoa.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nghề nuôi cấy Ngọc Trai

Làng nghề nuôi cấy ngọc trai thuộc huyện đảo Vân Ðồn ra đời cách đây khoảng 40 năm. Ở đây có rất nhiều các loại trai quý và có giá trị xuất khẩu cao như: trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson...

Vân Ðồn là nơi tập trung tới bốn loài trai ngọc có giá trị, gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson. Ðây là những loài trai ngọc rất quí và có giá trị xuất khẩu cao. Với diện tích mặt nước hàng vạn ha, cùng với khí hậu, môi sinh rất thuận lợi cho việc nuôi trai cấy ngọc, tạo nên một vùng nuôi cấy.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nghề thủ công mỹ nghệ Gốm sứ

Đã từ lâu, những đồ gốm sứ Hạ Long đã nổi tiếng bởi kiểu dáng, hoa văn trang trí hình sóng nước, hình móc câu, hình quả trám và hoa văn trổ thủng. Các sản phẩm gốm sứ Quảng Ninh hôm nay vẫn hết sức phong phú, đa dạng, với các loại hũ, lọ, bình rượu, đôn chậu, các con giống. Ðó là các loại men chảy, men tổng hợp, các họa tiết hoa văn trang trí khéo léo, sinh động... Sản phẩm gốm sứ Quảng Ninh được khách hàng ưa chuộng, đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới: Pháp, Italia, Nga, Hồng Kông, Trung Quốc... đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vừa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu tham quan du lịch.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng lụa Vạn Phúc

Là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nghề dệt lụa ở Việt Nam có ở nhiều nơi, nhưng không thể không nói tới Vạn Phúc (thị xã Hà Ðông, Hà Tây), một vùng dệt lụa thủ công lâu đời và lừng danh của ta.
Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Cái nét đắc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đến tay những người sành điệu bốn phương.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng mây tre đan Phú Vinh

Làng ở huyện Chương Mỹ, cách thị xã Hà Đông 15km theo quốc lộ 6, rất nổi tiếng về nghề đan lát mây tre. Ở Phú Vinh gia đình nào cũng có người làm hàng mây tre. Nghề mây tre đã giải quyết được việc làm cho người dân lúc nông nhàn, việc làm cho phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Nhờ vậy cuộc sống của người dân Phú Vinh tương đối khá giả.
Hàng mây tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú... Nhìn những mặt hàng này tưởng như được thêu bằng nan. Có loại cần sự khéo tay và cũng rất công phu như lẵng hoa quả, khay đĩa, làn, cặp, mũ, chao đèn... với nhiều kiểu dáng phong phú. Có loại thuộc nhóm sản phẩm gia dụng, kích thước lớn... Các mặt hàng mây tre đan của Phú Vinh đang cung cấp cho nhiều nước trên thế giới.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng thêu ren Quất Động

Làng thuộc huyện Thường Tín, cạnh quốc lộ 1A, cách Hà Nội khoảng 20km. Làng có truyền thống thêu ren từ khoảng thế kỷ thứ 17. Trước đây, người thợ thêu ren thường làm những mặt hàng nghi lễ hay phục vụ cung đình như thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình, chùa; các loại khăn chầu, áo ngự cho vua chúa. Càng về sau, nghề thêu ở Quất Động càng phát triển, mẫu mã phong phú, hoa văn mềm mại sống động, màu sắc đa dạng đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng, kể cả những người khó tính nhất. Nghệ nhân Thái Văn Bôn, người làng Quất Động đã nổi tiếng ở nhiều hội chợ quốc tế với những sản phẩm tuyệt tác hiếm có.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng nghề La Xuyên

Son MaiLàng La Xuyên ở cách Hà Nội 70km thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, nổi tiếng về nghề chạm khảm gỗ có từ lâu đời. Các hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè được trang trí rồng bay, phượng múa, lân chầu… rất đẹp và tinh xảo. Chỉ trên một lá lèo, người ta có thể thấy lễ cưới xin, ăn hỏi hay những trò chơi trẻ con rất ngộ nghĩnh được chạm tỉ mỉ, chau chuốt. Đây là một làng nghề chạm khảm cổ truyền. Sản phẩm của La Xuyên từ lâu đã được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng chạm bạc Đồng Xâm

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (tên cũ là Ðường Thâm) nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang, thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình.
Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim... nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm người Ðồng Xâm luôn giữ bí mật nghề. Ðến nay, kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Ðồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền. Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo tới mức tối đa. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng đúc đồng Ngũ Xã

Nói đến Ngũ Xã là nói tới tài năng của thợ đúc đồng Việt Nam. Những sản phẩm của họ ra đời trong suốt gần 500 năm nay đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc.
Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Ngũ Xã nổi lên như một bán đảo nhỏ nép mình bên hồ Trúc Bạch. Đây chính là nơi sản sinh ra biết bao các sản phẩm đồng thau cực kỳ tinh xảo cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ đồ đồng của thành Thăng Long xưa.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng, mang tính nghệ thuật cao của thợ đúc đồng Ngũ Xã là chuông và tượng đồng. Ngoài ra, người thợ đúc đồng Ngũ Xã còn để lại hàng loạt tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng, được coi là kiệt tác của nghệ thuật đồng thau Việt Nam như: tượng Trấn Võ ở đền Quán Thánh, cùng những đồ thờ bằng đồng như lư hương, chân đèn, hạc đồng... vốn được coi như các cổ vật quí.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng đá Non Nước

Có lẽ không ai đến Ngũ Hành Sơn mà không ghé thăm làng mỹ nghệ Non Nước. Đó là một nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp cả nước và cả nước ngoài. Du khách chắc chắn sẽ rất thú vị và ngạc nhiên trước các tác phẩm bằng đá được trưng bày nơi đây.
Những bức tượng trau chuốt, các con vật sinh động, những thức quà nhỏ nhắn, tinh xảo... thuộc những mô tip truyền thống và cả hiện đại nơi đây theo chân khách du lịch đã từng có mặt ở hầu hết khắp nơi trên thế giới. Từ đất đá vô cảm, người nghệ nhân làng mỹ nghệ Hòa Hải đã thổi vào đó tâm hồn của con người. Dĩ nhiên quá trình này diễn ra ở nhiều công đoạn, và có cả những công đoạn vất vả, nhọc nhằn vô cùng. Niềm hạnh phúc trước một tác phẩm đã thành hình, thái độ ngưỡng mộ của người thưởng thức, và cả những khoản lợi thu được từ công việc đã giúp cho người dân làng nghề mỹ nghệ này ngày càng gắn bó với công việc của mình.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng hoa trái Đại Bường

Nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, cách Hội An khoảng 20 km. Đây là một ngôi làng trù phú, cung cấp cây trái cho Đà Nẵng và Hội An. Điều đặc biệt nhất ở đây là trong cùng một làng, cùng một mảnh vườn ta có thể thấy rất nhiều loài cây trái khác nhau ở cả miền Bắc, miền Nam và các giống cây nước ngoài, tạo nên sự phong phú kỳ lạ của các khu vườn. Ở bến sông ven làng, quanh năm tấp nập thuyền buôn đến mua hoa trái.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làng bánh khô mè Cẩm Lệ

Bánh khô là đặc sắc của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả. Cẩm Lệ ở ngoại ô, cách Đà Nẵng 6 km về hướng Nam, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Làng có 6 lò làm bánh khô mè, hơn 50 lao động, trong đó người đi “tiên phong” là bà Huỳnh Thị Điểu, tên thường gọi là bà Liễu. Bánh khô mè mang nhãn hiệu bà Liễu ngày nay khá nổi tiếng trên thị trường. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, 'tắm' đường, 'tắm' mè... bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ, tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Bánh ngon có ruột xốp dòn, đường dẻo, mè rang đủ độ chín thơm, lúc bẻ đường kéo thành sợi tơ vàng mảnh. Bánh khô mè thường được dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ tết. Hiện nay, bánh được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, trong nước và ở nước ngoài.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Dừa

DuaAi đứng như bóng dừa. Tóc dài bay trong gió….
Câu hát quen thuộc đầy chất lãng mạn, trữ tình đã đi vào lòng người thật dễ dàng với hình ảnh cây dừa là biểu tượng đặc trưng của vùng đất miền Tây Nam Bộ. Cây dừa là loại cây hữu dụng. Từ nước, thân, lá đến trái dừa đều có công dụng riêng. Ngày nay, có thêm những sản phẩm mỹ nghệ từ dừa rất tinh xảo, đặc sắc như: muỗng, đũa, bộ bình trà, đèn ngủ, mặt nạ, các sản phẩm lưu niệm…

Về đầu trang




Bản quyền CTY CP NIÊN GIÁM ĐIỆN THOẠI & TRANG VÀNG 2 - VIỆT NAM
Địa chỉ: 2L-2M Phạm Hữu Chí, P.12, Quận 5, TP. HCM
• Tel: (08) 3855 6666 / Tổng đài (08)1081 • Fax: (08) 3855 5588 • Email: myc@yp.com.vn
Chi nhánh: 28 Đinh Bộ Lĩnh, P. Phú Cường, TX. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương • Tel: (0650) 3855 855 • Fax: (0650) 3855 555
Giấy phép số 221/GP - BC, cấp ngày 9/12/2005. Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Ngọc Phúc- GĐ MYC.